50% trẻ thiếu hụt vi chất
Chị Nguyễn Thu Hà (Ba Đình, Hà Nội) tâm sự: “Con trai tôi 16 tháng tuổi, gần đây cháu bị chảy máu chân răng, đêm ngủ hay ra mồ hôi trộm, bình thường cháu rất lười ăn và tăng cân rất chậm so với một số bé cùng độ tuổi khác”. Lo lắng trước tình trạng của bé, chị Hà đưa bé đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia khám và được các bác sĩ cho biết bé đang bị thiếu hụt trầm trọng các vi chất.
Tại Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rất nhiều bé có cùng hoàn cảnh như con chị Hà, có bé 14 tháng vẫn chưa biết đi, chưa mọc răng, có bé rụng tóc hình vành khăn quanh đầu, có bé tiêu chảy kéo dài… Nguyên nhân chung của những triệu chứng này là do các bé không được bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng trong các bữa ăn.
Khảo sát gần đây cho thấy, hơn 50% trẻ Việt Nam thiếu hụt các vi chất như vitamin A, B1, C, D và sắt trong khẩu phần ăn hằng ngày.
PGS Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, hầu hết các vi chất dinh dưỡng cần thiết đều lấy từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, hiện nay, bữa ăn của trẻ chưa đảm bảo sự đa dạng cũng như chưa có đủ vi chất, đặc biệt là sắt.
Bên cạnh đó, nhiều bà mẹ còn suy nghĩ không đúng về cách chế biến món ăn cho trẻ. Nhiều bà mẹ nghĩ rằng chỉ cần mua xương ống về ninh nồi cháo cho con ăn cả ngày là đã đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, nếu cho trẻ ăn như vậy thì sẽ thiếu nhiều thành phần dinh dưỡng và cả các vi chất. Trẻ ăn nước ninh xương dễ bị còi xương, suy dinh dưỡng vì trong nước, lượng canxi phôi ra rất ít, nếu canxi có phôi ra thì việc hấp thu cũng không tốt vì đó là canxi vô cơ. Canxi mà trẻ dễ hấp thu nhất là loại canxi hữu cơ, có trong các nguồn thực phẩm tự nhiên như: tôm, cá tươi, trứng…
Bên cạnh đó, tuỷ ở trong xương ống có thành phần chủ yếu là chất béo, nhưng đây không phải chất béo cần thiết để trẻ hấp thu được vì là chất béo no. Nó chỉ khiến trẻ dễ đầy bụng, rối loạn tiêu hoá, khó hấp thu.
Tại nhiều địa phương, các bà mẹ còn không cho con ăn rau vì cho rằng ăn thì trẻ đi ngoài phân xanh như thế là không tốt.
Nguy hiểm khi trẻ thiếu vi chất
GS Lê Thị Hợp cho biết, thiếu vi chất dinh dưỡng không chỉ gặp ở trẻ suy dinh dưỡng mà ở cả trẻ dinh dưỡng tốt. Thiếu các vi chất dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ mà còn dẫn đến tử vong, suy giảm trí tuệ…
Có nhiều dấu hiệu để nhận biết trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng như thiếu kẽm: Chiều cao kém phát triển, tóc khô, móng tay mềm dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị các bệnh nhiễm trùng, cơ nhão. Thực phẩm giàu kẽm gồm sò, củ cải, đậu Hà Lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.
Thiếu sắt: Da, dẻ xanh, nhợt nhạt, môi không hồng, móng tay màu nhợt, mềm và dễ gãy. Trẻ hay ngứa, gãi, dễ mệt mỏi nên ít đùa nghịch. Sắt có nhiều trong gan, bầu dục lợn, mề gà, lòng đỏ trứng gà, tim lợn, mộc nhĩ, nấm hương. Nếu thiếu vitamin C: Lợi sưng, dễ chảy máu, vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Trẻ hay mệt mỏi khi hoạt động. Chất này có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau cải, rau muống, rau ngót.
Thiếu vitamin D và canxi: Chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành một vành sau gáy. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai, ốc, phó mát. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng, và qua các thực phẩm như dầu cá, trứng, gan.
Thiếu vitamin B: Phù nề, dễ mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, da tay chân nóng và dễ viêm, dễ rối loạn tiêu hóa, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc nguyên cám, đậu đỗ, thịt gà, rau lá xanh thẫm, chuối, lê, sữa, pho mát…
Các bác sĩ Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: “Khi bé có bất kỳ biểu hiện nào bất thường, nên đưa trẻ tới các trung tâm y tế có phòng tư vấn dinh dưỡng để được kiểm tra và điều trị kịp thời, tránh để trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng kéo dài dẫn tới những hậu quả không tốt cho sức khỏe sau này.”
Yên Chi – laodong.com.vn